Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vừa ra lệnh cấm một số website trước kỷ niệm 20 năm ngày quân đội đàn áp người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn.
Người dùng internet tại Trung Quốc đã không vào được mạng Twitter, Hotmail và Flickr, v.v... Twitter là dịch vụ làm quen bạn bè, Hotmail là hộp thư điện tử. Và Flickr là website chuyên lưu trữ hình ảnh.
Trong khi đó một nhà hoạt động nói nhân vật đối lập trong nhiều năm, Wu Gaoxing, đã bị cảnh sát câu lưu dịp cuối tuần. Ông Wu Gaoxing bị tù giam nhiều năm vì tham gia phong trào dân chủ năm 1989.
Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm bàn luận về chính trị liên quan đến biến cố xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Ngày thứ Năm 4-6 này là kỷ niệm 20 năm ngày Trung Quốc đàn áp người biểu tình. Khi ấy đảng cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội dùng xe tăng để dập tắt nhiều tuần phản đối của công nhân và sinh viên.
Bắc Kinh chưa bao giờ công bố số người chết từ vụ đàn áp này. Truyền thông nhà nước gọi đây là âm mưu phản động. Người ta tin rằng hàng trăm người đã thiệt mạng trên quảng trường hoặc các vùng lân cận.
*Cảnh giác
Phóng viên BBC James Reynolds tại Bắc Kinh nói khi ngày kỷ niệm sự kiện mà Trung Quốc gọi là "sự cố mùng 4 tháng 6" càng đến gần, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ. Họ không muốn bất cứ ai nhắc đến sự kiện này ở bất cứ nơi nào.
Trong khi đó một trong những người bị bắt giữ sau vụ Thiên An Môn, ông Chen Longde, cho hãng tin AFP hay hôm thứ Bảy cảnh sát đã tới bắt ông Wu Gaoxing tại thành phố Taizhou của Trung Quốc.
Ông Wu có ký tên vào lá thơ gửi chủ tịch Hồ Cẩm Đào đòi bồi thường cho những người bị đưa đi giam cầm sau khi quân lính nhả đạn vào người biểu tình ngày 4 tháng Sáu năm 1989.
Bức thư nói các cựu tù nhân ‘Thiên An Môn' không có công việc ổn định. Họ không được hưởng phúc lợi y tế và trợ cấp hưu trí.
Ông Wu bị ngồi tù hai năm sau khi tham gia phản đối năm 1989 tại thành phố Zhejiang phía đông Trung Quốc. Thời điểm đó tại Bắc Kinh đang có các cuộc biểu tình đòi dân chủ.
Tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Amnesty International cho hay khoảng 200 người vẫn bị giam cầm cho đến nay vì tham gia vào các cuộc phản đối đòi dân chủ năm 1989.