Câu chuyện về cậu bé 9 tuổi ở Nhật Bản
lan truyền trên mạng đã khiến nhiều người xúc động. Việt Nam cũng đã
có một thời như thế. Chẳng lẽ, chỉ khi đất nước gặp những hoàn cảnh khó
khăn tương tự, chúng ta mới được nhìn lại nhiều câu chuyện đẹp như
thế? -
Bài viết của tác giả Trần Kiến Quốc.
1. Dân sơ tán ngủ giường, chủ nhà ngủ bếpCô bạn tôi tên Bình, công tác tại Tổ chức chính quyền TP.HCM, khi đọc
bài báo này đã nhớ lại... Năm 1964, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mở
rộng ra miền Bắc XHCN. Lập tức các cơ quan, xí nghiệp, trường học phải
rời Hà Nội, Hải Phòng về nông thôn.
Ngày ấy mới 8 tuổi, em theo nhà trường sơ tán về một xã thuộc huyện Hoài
Đức, tỉnh Hà Tây. Bọn nhỏ lít nhít, lấn đầu xa cha mẹ, được thầy cô
tách ra từng nhóm về sống trong các gia đình nông dân.
Việt Nam đã có nhiều câu chuyện đẹp.
Ảnh minh họa Bà con ngày ấy cũng nghèo lắm, không có nhà đúc, mái ngói như ngày nay,
nhà nào cũng chỉ là nhà tranh vách đất, cũng nheo nhóc con trẻ. Vậy mà
chỉ nghe UBND xã thông báo: từng gia đình có trách nhiệm tiếp đón và lo
nơi ăn, chốn ở cho các cháu học sinh Hà Nội. Dù không phải máu mủ ruột
thịt mà chúng em được các mẹ, các chị lo như con em trong nhà.
Nhớ mãi mùa đông năm ấy, ở nông thôn làm gì có điện, nước giếng thì lạnh
toát, bọn trẻ Hà Nội không quen. Đêm ngủ thiếu chăn ấm, thiếu màn. Thế
mà bà con dành cho tụi em nằm trên tấm phản ở gian giữa, hay trên
giường ở nhà trên. Còn cả nhà chui xuống dưới bếp.
"Sao cái tình ngày ấy lớn thế! Đã gần 50 năm rồi, cứ lần nào ra Hà Nội
là em cố gắng thu xếp về thăm gia đình sơ tán ngày xưa" - Bình nói. Tôi
tin là cô ấy đã làm đúng như vậy.
2. Gỗ chờ áo quan lát đường cho xe bộ độiAnh Đinh Văn Quảng, đồng ngũ với chúng tôi, quê Quảng Bình. Những năm
giặc Mỹ đánh phá, Quảng Bình như một túi hứng bom, đường xá nát bét. Đấy
chính là con đường giao thông chở bộ đội, chở khí tài, đạn dược chi
viện cho miền Nam.
Anh kể lại: "Mùa mưa năm ấy, bom Mỹ cày nát con đường chạy qua làng. Xe
cộ bị tắc. Công binh về san đường mà không kịp. Thấy thế ông nội giục
gia đình: “Tháo mấy câu đối, hoành phi xuống, mang ra cho bộ đội. Xương
máu các chú không tiếc thì mình tiếc gì những cái đó, dù là nơi thờ
cúng Tổ tiên”.
Không ít gia đình dành dụm được ít gỗ rừng chờ “làm áo” cho các cụ ngày đi xa cũng đóng góp. Họ chẳng tiếc.
3. Vài năm sống giữa rừng không dùng một hạt gạo của đồng độiCó anh lính Trường Sơn được giao nhiệm vụ ở lại canh giữ kho gạo cùng
thực phẩm, quân trang niêm cất trong một hang ở rừng sâu miền tây Quảng
Bình. Còn cả đơn vị hành quân vào Nam.
Ở lại giữa rừng, anh tự tăng gia, trồng lúa, trồng rau, tạo nguồn sống.
Đến vài năm, khi đơn vị trở lại, thấy kho lương thực, thực phẩm còn
nguyên. Ai cũng bảo, có thể lấy ít ra mà dùng thì anh nói: “Thà chết
đói, chứ nhất quyết không chạm đến một hạt gạo, vì đó là xương là máu
của đồng đội tôi. Chỉ cần dùng một hạt gạo thì con người ta có thể xài
hết cả kho”.
4. Anh hùng trên chiếc xe mất phanh lao đèo Hải VânGần chục năm trước, một chuyến xe khách trên đèo Hải Vân bỗng nhiên mất
phanh. Xe lao phăng phăng xuống dốc. Người lái xe lại bỏ xe, nhảy xuống
đường, mặc cho hàng chục hành khách đang hoảng hốt trông chờ vào may
rủi.
Một hành khách nhảy lên, ngồi vào vị trí tài xế và bình tĩnh xử lý, cầm
vô-lăng khéo léo điều khiển cho xe áp thành vào ta-luy đèo. Tốc độ xe
giảm dần. Cuối cùng, mấy chục con người trên xe được cứu sống. Riêng anh
tài xế vì chỉ lo đến mạng sống, liều lĩnh nhảy xuống, bị gãy tay(!).
5. Bà chị ăn khoai nhường bộ đội cháo nóngĐợt huấn luyện trước khi vào Nam, đơn vị chúng tôi đóng ở Vĩnh Yên, sống “ba cùng” trong dân. Có cơm ăm cơm, có cháo ăn cháo.
Chị chủ nhà Nguyễn Thị Thiện một nách những bảy con, nheo nhóc. Vậy mà
đêm nào đi tập về, chị vẫn dành cho tiểu đội nồi cháo nóng. Chả có gì
ngoài mấy hột muối rắc vào. Ôi, sao mà ngon thế!
Sống một thời gian mới hay, các cháu con chị hàng ngày chỉ có khoai, sắn
trừ bữa. Nay, bảy cháu đều phương trưởng. Về thăm lại “cơ sở cách
mạng” được nghe bà chị nói mà mát lòng: “Chị không tham gia trực tiếp
đánh giặc nhưng được cùng chia sẻ với các em nên các cháu mới “có hậu”
như ngày hôm nay”.
Trần Kiến Quốc