Một cây bàng và một người con gái, đều chung tình yêu với cậu sinh viên chơi vĩ cầm có giọng hát trầm mặc...Tiếng Vĩ Cầm im lặng một buổi chiều cuối Thu vang lên trên căn phòng nhỏ yên tĩnh và cũng câm lặng trong những khoảng khắc riêng tư. Cuộn len đan dở rơi xuống sàn nhà bằng gỗ, hờ hững lăn một vài vòng buồn tẻ và rồi cũng chết lặng trong cái im lặng dang dở của căn phòng. Đôi tay buông lơi trên đôi mũi kim đan mệt mỏi và hoài nhớ, chiếc khăn đan lặng lẽ như một tiếng thở dài. Chiều đang xuống, êm đềm trên những căn nhà của con phố nhỏ. Hàng cây cuối Thu se sắt và rơi rụng những chiếc lá đỏ nâu như những giọt nước mắt âm thầm. Khu vườn xào xạc tiếng gió, đó là bài ca của mùa Thu – bài ca với những tiếng Vĩ Cầm im lặng vang lên từ quá khứ, từ một cõi mơ xa vời…
Ngày trước, cách đây hơn hai năm, cũng một buổi chiều cuối Thu trong trẻo như buổi chiều này, căn gác của ngôi nhà cũ kỹ trước mặt tôi có đón một người chủ mới. Đó là một cậu sinh viên năm thứ 3 của học viện âm nhạc nào đó - một chàng trai cao dỏng, mái tóc rối bù nhưng không theo kiểu của một người nghệ sỹ mà theo kiểu của một người lười chải tóc, gội đầu, gương mặt bất cần giống như cái cách mấy gã gió lang bạt thỉnh thoảng có ghé qua chỗ tôi, vài cái áo kẻ tối màu, mấy cái quần bò rách gối, cậu ta chỉ giống nghệ sỹ khi chơi Vĩ Cầm. Thế nhưng chàng trai Vĩ Cầm mà tôi kể thường thì không kéo đàn bằng vĩ. Cậu ta gẩy nó bằng tay như một chiếc Guitar và hát theo điệu nhạc với một chất giọng khàn đặc biệt, lạnh lùng và buồn bã. Đôi khi, cậu ta có nhìn ra ngoài ban công và huýt sáo với mấy con chim xanh thỉnh thoảng đến làm tổ trên những cánh tay của tôi, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với tôi cả. Tuy nhiên, tôi rất thích kể từ ngày cậu ta đến sống ở căn gác tẻ nhạt ấy. Cậu ta làm tôi ưa thức khuya để nghe cái tiếng Vĩ Cầm gẩy và tiếng hát khẽ khàng như sợ đánh động bà hàng xóm nặng 71kg có cái cổ họng “thôi rồi” ở tầng ba nhà bên cạnh. Thỉnh thoảng bà ta cảm thấy mình bị làm phiền và dội thẳng một xô nước lớn xuống cái mái ngói nâu đỏ đầy rêu nhà cậu sinh viên này. Mấy anh rêu cũng được vài lần sung sướng thế! Mỗi lần như vậy, tôi lại bật cười khi nghe tiếng cậu lẩm nhẩm một mình: “Tốn nước quá bác ơi!”.
Tưởng rằng cậu ta không chú ý đến tôi nhưng hơn ba tháng sau, cậu có hát một bài hát nói về cây bàng mùa Thu với những lá rơi màu đỏ thẫm rất buồn. Tôi đã nhìn thấy cậu vừa gảy đàn, vừa viết lời hát và thỉnh thoảng có nhìn về phía tôi. Điều đó làm tôi rất vui thích. Có thể lắm chứ, cậu ta tặng bài hát đó cho cây Bàng bạn mình!? Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ được một câu trong bài hát đó. Giá những chiếc lá còn lại trên cánh tay tôi còn xanh và đủ sức lực, tôi đã hát lại cho các bạn nghe. Chỉ tiếc là đến chúng cũng sắp lìa tôi mà đi rồi.
Quay trở lại chuyện cậu sinh viên. Một đêm nọ, một đêm giữa mùa Xuân im lặng, mưa khẽ rơi, cô hoa Sưa cuối phố đã đánh rơi những bông trắng đầu tiên, tôi vẫn thức và nghe chàng trai Vĩ Cầm của tôi chơi đàn với một niềm thích thú vô hạn! Bỗng nhiên, tôi phát hiện ra cái điều mà suốt một thời gian dài, mải quan tâm đến cậu chàng luộm thuộm, tôi đã không để ý đến, không nhận ra: Gác hai của căn nhà ngay gần cạnh tôi mặc dù đã tắt đèn nhưng có một cô gái vẫn ngồi im bên cửa sổ, lắng nghe tiếng Vĩ Cầm và giọng hát trầm mặc của cậu sinh viên nọ. Điều đó trong khoảnh khắc đã làm tôi rất không hài lòng, giống như phải chia sẻ số nước ít ỏi trong một ngày khô nóng với ai đó. Nhưng thoáng chốc, khi bất chợt nhìn thấy giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má của cô, sự ích kỷ của tôi tan nhanh như một giọt nước trên lá bốc hơi trong nắng chiều giữa mùa Hè. Vì thực ra, bài hát lúc ấy cậu ta hát là một bài hát thật buồn. Bài hát về một thánh đường, về một người con gái ra đi… “Người tôi yêu giống như bài ca, mà lời xa dở dang chưa hát, bỗng nay nhạt nhoà thiên thu…”. Thế là đêm đó, chúng tôi thức thật khuya nghe cậu hát đi hát lại những giai điệu này. Tiếng Vĩ Cầm lẫn vào mưa và vương lên những bông hoa Sưa rơi trắng đêm…
Có một ngày, khi mùa Hè đã đến từ rất lâu, trong một buổi chiều tắt nắng, tôi mỉm cười ngắm cậu sinh viên ấy nhoài người ta ban công, ngơ ngẩn nhìn theo bóng chiếc áo trắng của cô gái đó. Đêm đến, cậu ta hát “… dấu phố em qua, hàng cây xưa hé nụ - một loài hoa thơm dấu vết ngây thơ một tình yêu, em nhớ chăng…”, còn tôi, lắng nghe và lén nhìn sang cửa sổ nhà cô gái nọ, vẫn đang im lặng nhìn về phía bên này…
Thấm thoắt chàng trai Vĩ Cầm của tôi cũng đã ở đây được gần một năm. Cậu ta và cô gái ngồi bên cửa sổ vẫn chưa một lần nói chuyện. Có phải với nhau, họ đặc biệt đến nỗi không dám ngước mắt nhìn nhau mỗi khi đi qua đường, không dám mỉm cười chào nhau mà chỉ len lén quay lại khi người kia đã bước vào nhà. Họ, một người vẫn cứ lặng lẽ ngồi bên khung cửa mở thâu đêm, bồi hồi nghe tiếng Vĩ Cầm và trìu mến nhìn về phía gác hai của ngôi nhà bên này; một người vẫn nhoài ra trên cái ban công gỗ rêu mục cũ kỹ, ngẩn ngơ nhìn theo một bóng dáng quen thuộc. Còn tôi, chẳng thế làm gì giúp họ. Tôi chỉ là một cây Bàng…
Một buổi chiều Thu rất êm, tôi nhìn thấy cô gái đó ngồi im bên cửa sổ, chăm chú đan một chiếc khăn mà tôi đoán là để tặng cho cậu sinh viên của tôi, vì màu của nó hợp với cả hai chiếc áo khoác mà cậu thường xuyên mặc. Hôm đó, tôi đã rất vui. Có lẽ đó sẽ là món quà đầu tiên và cũng sẽ là khởi đầu cho một mối tình siêu lãng mạn. Mấy chiếc lá xào xạc nói cười và khoe với tôi về những gì chúng nhìn thấy: “Chị ấy đang đan!” “Chị ấy vẫn cứ ngồi đan thế!” “ Sắp được một hình vuông!” “Giờ là hình chữ nhật rồi đấy!”… Và thế là cô gái ngồi đan. Mấy làn gió đi qua khung cửa sổ, tò mò nán lại, nghiêng ngó một vài mũi kim, gật gù rồi hài lòng bay tiếp. Thế nhưng, vài ngày sau, khi tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa hơi mệt mỏi và bất an, tôi nhìn thấy một người phụ nữ trung tuổi, mặc toàn đồ đen, gương mặt buồn rầu với đôi mắt đỏ hoe và nhiều ánh nhìn đau đớn đang thu xếp lại đồ đạc trong phòng cậu sinh viên Vĩ Cầm. Qua mấy lời trao đổi và những giọt nước mắt vỡ oà khi bà nói chuyện với bác chủ nhà, tôi bàng hoàng nghe tin cậu ấy đã qua đời trong một tai nạn giao thông trên đường về nhà. Làm sao, làm sao tôi có thể diễn tả với các bạn cảm giác của tôi lúc đó, khi cậu bạn thú vị nhất mà tôi từng biết lại không còn trên đời khi vẫn còn quá trẻ!? Làm sao tôi có thể đếm hết được những giọt nước mắt mà tôi đánh rơi trong đêm, làm sao có thể nói bằng lời nỗi nhớ tôi dành cho cậu!? Và tôi cũng không thể thốt lên cái cảm xúc khi nhìn cô gái ấy cầm chiếc Vĩ Cầm sót lại vì cậu sinh viên của tôi đã để quên ngoài ban công đêm qua, với bàn tay run rẩy và nỗi đau ngập tràn trong đôi mắt. Tâm hồn tôi – tâm hồn của một cây Bàng dường như tan nát khi nghe tiếng gảy Vĩ Cầm vụng về phía bên này khung cửa. Tôi đã nhìn thấy nước mắt cô rơi trên chiếc khăn len đan dở. Những giọt nước mắt sáng lên, lấp lánh trong ánh nắng cuối chiều. Và đêm ấy, phía bên ngoài khung cửa sổ vẫn để ngỏ, gió mùa se sắt thổi về…
…
Đây là mùa Thu thứ hai kể từ khi chàng trai Vĩ Cầm của tôi từ giã cuộc đời. Những ngày như thế này, tôi vẫn thấy cô gái đó ngồi lặng lẽ bên khung cửa để ngỏ, buồn bã đưa một vài đường kim rồi để mặc tay mình ngủ quên trên chiếc khăn đan dở, cô nhìn ra ngoài, phía căn gác bên kia đường như chờ đợi một ánh sáng lạ kỳ nào đó sẽ mang thương nhớ quay về.
Chiều qua, tôi có gặp lại người phụ nữ từng đến thu dọn đồ đạc của chàng trai Vĩ Cầm. Trông bà có vẻ mệt mỏi với khuôn mặt vẫn còn hằn rõ nỗi đau mất mát. Bà đến gõ cửa căn nhà của cô gái nọ. Cô đã trao lại cho bà cây Vĩ Cầm mà cô gìn giữ suốt hai năm nay, hẳn vì đó là kỷ vật quan trọng nhất của cậu sinh viên đó - người rất thân yêu của bà. Khi người phụ nữ kia ra về, cô gái lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế bên khung cửa sổ, chậm rãi đưa vài đường kim đan rồi mặc cho cuộn len khẽ rơi xuống sàn nhà bằng gỗ, cô nhẹ thở dài và nhìn về căn gác bên kia. Tôi biết cô có nghe thấy, như tôi đang nghe thấy, tiếng Vĩ Cầm êm đềm vang lên từ quá khứ, giọng hát khàn khàn đầy cá tính và hơi trầm mặc, bài hát về một thiên đường đã xa vời…
Vậy là, tôi - một cây Bàng và người con gái đó đã cùng rất yêu thương một người với hai thứ tình cảm khác nhau. Giờ đây, khi người đó không còn, chúng tôi vẫn sẽ còn lưu giữ tiếng Vĩ Cầm của cậu, để chúng mãi mãi thật đặc biệt và mãi mãi vang lên, im lặng đến sống động trong trái tim mình!
…
Tôi biết có những điều đến rồi ra đi nhưng cũng có những điều đến rồi ở lại mãi mãi. Tôi có biết một bí mật nho nhỏ về ánh mắt bên kia con phố nhiều ngày nay nhìn về phía khung cửa sổ nơi cô gái của tôi đang ngồi.Và tôi cũng biết một điều rất quan trọng nữa: Ngày mai, tất cả những gì của ngày hôm nay sẽ chỉ còn là “ngày hôm qua”; ký ức theo thời gian chỉ còn là một cậu gió với ước mơ rong chơi, thật đáng yêu, đáng nhớ nhưng như một lẽ dĩ nhiên sẽ lùi sâu vào quá khứ. Khi bạn bước chân đi, bạn chỉ có thể không ngã, không va vấp khi đôi mắt bạn nhìn về phía trước, thế nên hãy cố giữ cho đôi mắt bạn luôn nhìn về phía trước. Còn tôi, thật tiếc, tôi không thể đi, vì tôi chỉ là một cây Bàng. Nhưng “ngày hôm qua” của tôi sẽ ngưng đọng lại trong những mùa thay lá. Và tôi có thể khẳng định với bạn một điều vô cùng tất nhiên, tôi – và loài cây nói chung đều có một ngày mai! Còn đây là thông điệp cuối cùng: Làm ơn, hãy bảo vệ Môi trường!!!