Có tuổi đời hơn 5.500 năm, chiếc giày “già” nhất thế giới mới được phát hiện ở Armenia, được bảo quản tốt tới mức các dây buộc còn nguyên vẹn. Chất liệu làm giày có thể tiết lộ mức sống của chủ sở hữu.
Chiếc giày cổ đại này do một sinh viên vật lý người Armenia, Diana Zardaryan, phát hiện cùng với một chiếc bình vỡ và một số sừng cừu.
Là sản phẩm ở thời “bình minh” của nền văn minh nhân loại, chiếc giày cỡ 4 này được tạo ra từ một mảnh da bò 1.000 năm trước khi kim tự tháp Giza ra đời và được khâu bằng sợi chỉ da.
Các nhà khảo cổ học cho biết chiếc giày này có thể thuộc về một người phụ nữ bị chôn trong hang động theo một nghi lễ bí ẩn. Trong hang còn có ba cái bình, mỗi cái chứa một chiếc sọ trẻ em cùng những chiếc hộp đựng hạt lúa mạch, lúa mỳ và hạt mơ.
| resized by CamRanhOnline |
Đối với tiến sĩ Ron Pinhasi, ĐH Cork, Ireland, chiếc giày này là một phát hiện thế kỷ. “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng chiếc giày này và những đồ vật khác chỉ khoảng 600-700 năm tuổi bởi chúng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi phát hiện ra rằng chiếc giày xuất hiện từ năm 3.500 trước Công nguyên (cách nay 5.500 năm) thì tôi có thể khẳng định đây là chiếc giày da lâu đời nhất thế giới”, ông cho biết.
Theo các nhà khảo cổ học, chiếc giày này là tài sản của thế hệ nông dân đầu tiên sống ở vùng núi thuộc tỉnh Vayotz Dzor, Armenia, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày nay. Nó được làm từ một mảnh da bò, nhuộm bằng dầu thực vật và vừa khít với bàn chân người đi. Dựa vào chất liệu có thể nhận định, chiếc giày được làm ra để phục vụ tầng lớp trên trong xã hội Armenia thời đó.
Bên trong chiếc giày đó có cỏ, nhưng các nhà khảo cổ học không chắc cỏ đó được dùng để giữ ấm hay duy trì hình dạng cho chiếc giày
| resized by CamRanhOnline |
Lối vào hang động, nơi tìm thấy chiếc giày cổ đại ở Armenia.
Chính điều kiện khô và mát trong hang giúp bảo quản chiếc giày, vốn bị vùi lấp dưới đất theo thời gian. Bề mặt hang bao phủ bởi một lớp phân cừu dày, một yếu tố giúp chiếc giày và những đồ vật khác còn nguyên vẹn.
Khí hậu của Armenia 5.500 năm trước cũng tương tự như ngày nay, nóng vào mùa hè và có tuyết vào mùa đông. Người chủ của chiếc giày có thể đã mặc quần áo làm từ da và len và đi giày để bảo vệ đôi chân khi đi lại ở khu vực có địa hình đá gồ ghề.
“Hiện chúng tôi chưa biết chiếc giày và những đồ vật khác được đặt trong hang với mục đích gì. Chiếc giày có thể được làm ngay tại đây hoặc từ những ngôi làng gần đó mang tới”, tiến sĩ Pinhasi cho biết thêm.