- Tối 26/6, nguyệt thực sẽ xuất hiện ở nước ta từ khoảng 18h16 - 20h. Lúc đó, một phần của Mặt Trăng sẽ có màu đỏ thay vì màu vàng nhạt như thường ngày.
Sẽ xem được 53%
ThS Phan Văn Đồng, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam cho biết, nguyệt thực xảy ra ngày 26/6 này là nguyệt thực một phần.
Theo KS Nguyễn Anh Tuấn, CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM, các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), châu Úc, châu Mỹ sẽ được chứng kiến một Mặt Trăng khác thường khi có đến hơn 50% diện tích của Mặt Trăng đi vào vùng tối của bóng Trái đất trở nên tối và đỏ sẫm.
Theo tính toán nguyệt thực một phần lần này bắt đầu quan sát rõ khi Mặt Trăng đi vào vùng tối của bóng Trái đất vào lúc 17h16 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, vào thời điểm này, tại Việt Nam trăng vẫn chưa mọc.
Tối 26/6/2010: Xem Mặt Trăng màu đỏ
Có thể quan sát bằng mắt thường hoặc sử dụng kính thiên văn để quan sát.
Ở Việt Nam, thời điểm có thể quan sát được hiện tượng này là khoảng 18h15 (ngay lúc trăng vừa mọc). Thời điểm xuất hiện này có thể chênh lệch vài phút giữa các tỉnh và thành phố.
Một số địa điểm quan sát nguyệt thực:
- Tại Hà Nội: Hội Thiên văn Hà Nội tổ chức quan sát khu vực trước cửa sân vận động Mỹ Đình
- Tại TP.HCM: CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM sẽ tổ chức quan sát nguyệt thực tại khuôn viên chung cư phía sau Metro Quận 2.
Ông Trương Ngọc Khánh, Hội Thiên văn Hà Nội giải thích thêm, do nguyệt thực đã diễn ra trước đó, nên ngay khi trăng vừa nhú lên khỏi chân trời đông thì một phần đã tối sẫm và có màu đỏ. Nguyệt thực sẽ đạt cực đại vào lúc 18h39 với 53% diện tích Mặt Trăng bị bóng tối Trái đất bao phủ.
Trăng hoàn toàn ra khỏi vùng bóng nửa tối, chấm dứt nguyệt thực vào lúc 21h19. Sau đó, Mặt Trăng lại trở về trạng thái thường ngày với ánh sáng vàng nhạt.
Nhớ chọn địa điểm xem
KS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu người dân muốn xem thì điều quan trọng trước tiên là phải ghi nhớ thời điểm xuất hiện nguyệt thực.
Thực tế thời gian nguyệt thực xuất hiện khá lâu từ 17h16 - 21h19. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời điểm xem rõ nhất chỉ ở khoảng 18h16 - 20h. Vì thế, nếu ai muốn chiêm ngưỡng hiện tượng này cần phải lưu ý đến thời điểm xuất hiện nguyệt thực.
Ông Khánh cũng lưu ý thêm, nguyệt thực lần này diễn ra ngay khi trăng vừa mọc, còn rất thấp ở chân trời đông. Thậm chí, khi nguyệt thực chấm dứt, trăng chỉ cao khoảng 20o so với chân trời. Vì thế, người xem phải tìm địa điểm quan sát thuận lợi.
Bãi biển, các khu đất trống, rộng không bị che khuất bởi nhà cao tầng là những nơi thuận lợi cho việc quan sát hiện tượng này.
Tối 26/6/2010: Xem Mặt Trăng màu đỏ
Khi quan sát cần hướng mắt về phía đông, nơi Mặt Trăng mọc.
Trong trường hợp ở thành phố, cần phải chọn nơi cao, hoặc thoáng, ví dụ như nhà cao tầng, sân vận động... để không bị nhà cửa hay cây cối che mất tầm nhìn.
Ở Hà Nội có một số địa điểm có thể quan sát nguyệt thực tốt như cầu Long Biên, Hồ Tây, sân vận động... Khi quan sát cần hướng mắt về phía đông, nơi Mặt Trăng mọc. Trong trường hợp thời tiết xấu như nhiều mây, mưa thì sẽ rất khó để có thể quan sát được hiện tượng này.
Ngoài ra, khác với nhật thực, hiện tượng này có thể quan sát được bằng mắt thường hoặc có thể sử dụng thêm các dụng cụ hỗ trợ như ống nhòm, kính thiên văn để nhìn rõ Mặt Trăng. Nếu muốn lưu lại những hình ảnh đẹp, người dân có thể dùng máy ảnh, máy quay phim để chụp hình hoặc quay phim...
Thời điểm xuất hiện nguyệt thực trong tương lai
- Đêm ngày 20/12/2010, rạng sáng ngày 21/12/2010 sẽ xuất hiện nguyệt thực toàn phần. Những người dân sống ở Bắc Mỹ và Thái Bình Dương có cơ hội được quan sát nguyệt thực toàn phần. Người dân Bắc Âu, một phần Bắc Phi, Đông Á (trong đó có Việt Nam) chỉ quan sát được hiện tượng một phần.
- Rạng sáng ngày 16/6/2011, cư dân Việt Nam sẽ lại được chiêm ngưỡng nguyệt thực và đây là lần nguyệt thực toàn phần.